Kinh tế - xã hội Trảng Bàng

Công nghiệp

Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã Trảng Bàng:

  • Khu công nghiệp Trảng Bàng
  • Khu công nghiệp Thành Công
  • Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời
  • Khu chế xuất Linh Trung III
  • Cụm công nghiệp Bàu Hai Năm.

Tiểu thủ công nghiệp

Các nghề thủ công truyền thống:

  • Xóm bánh tráng: Ở ấp Lộc Du phường Trảng Bàng, có rất nhiều nhà làm bánh tráng chuyên nghiệp, còn được gọi là "xóm bánh tráng". Nguồn nguyên liệu làm bánh tráng phơi sương chỉ là bột gạo nhưng phải là bột gạo tẻ đặc biệt. Để làm ra bánh tráng phơi sương người ta phải qua nhiều công đoạn khá công phu và cầu kỳ. Đầu tiên là đem gạo đi vo sạch. Sau đó, phải xay gạo thành bột nước, hoà muối vừa độ, rồi tráng mỏng trên hơi nước sôi và phải tráng làm hai lớp. Bánh chín trải ra vỉ tre phơi, chỉ một ngày nắng tốt là được. Công đoạn tiếp theo là nướng bánh. Lò nướng giống như chiếc nồi Cà om to chứa vỏ đâu phộng riêu riêu cháy ở bên trong. Bánh tráng nướng nở xốp đều nhưng vẫn giữ nguyên màu giấy trắng... Nướng xong, người ta đem bánh tráng phơi sương vào khoảng tờ mờ sáng hoặc vào ban đêm, nếu nhiều sương chỉ cần phơi mười lăm phút. Phơi xong, đem bọc kín trong lá chuối tươi để giữ cho bánh được mềm, xốp.

Ngoài ra, ở đây còn sản xuất bánh tráng bằng bột củ mì. Loại bánh tráng này làm rất công phu và mất rất nhiều thời gian hơn. Nhưng bù lại bánh dẻo và dai hơn, ngon hơn.

  • Xóm đóng ghe: Đặc điểm địa hình của Tây Ninh có nhiều rừng núi, nhưng cũng lắm sông ngòi, kênh rạch nên hoạt động vận chuyển buôn bán trao đổi nông, lâm, ngư, thổ sản từ trước đến nay bằng ghe xuồng trên các tuyến đường thủy đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội ở Tây Ninh. Vì thế mà nghề đóng ghe xuồng ở Tây Ninh đã hình thành và phát triển rất sớm. Có nhiều trại đóng ghe, xuồng ở Tây Ninh phải kể đến các cơ sở ở các phường Trảng Bàng, An Hoà, xã Phước Chỉ (Trảng Bàng); xã Long Thành Nam (Hoà Thành); xã Cẩm Giang (Gò Dầu). Nguồn nguyên liệu để đóng ghe xuồng trước đây được khai thác tại chỗ, với nhiều loại gỗ tốt như gỗ sao, vên vên, căm xe, dầu, trắc...Hiện nay, việc khai thác rừng đã hạn chế, các nguồn nguyên liệu gỗ được bổ sung từ các tỉnh và có cả ở Campuchia. Các loại ghe, xuồng ở Tây Ninh ngày nay được chế tạo chủ yếu từ các loại gỗ có đặc tính chắc, bền, nhẹ nổi trên nước và ít hư hỏng do tác động của môi trường sông nước. Cư dân Tây Ninh có gốc người tứ xứ...nên ghe xuồng ở Tây Ninh có nhiều kiểu dáng, phản ánh đặc điểm văn hoá nhiều tộc người Việt, Hoa, Chăm, Khmer), nhiều địa phương. Nhìn chung, có các loại ghe như: ghe ô, ghe lê dành cho quan lại; ghe tam bản, ghe tam bản mũi chài, ghe chài, ghe tải...Trong vài chục năm gần đây ghe xuồng truyền thống Tây Ninh có xu hướng hiện đại hoá, cải tiến chiếc ghe sao cho phù hợp với điều kiện chuyên chở, đi lại, buôn bán trên sông nước. Ghe xuồng chèo tay thành ghe, xuồng gắn các động cơ, khiến việc di chuyển được thuận lợi nhanh chóng hơn trước. Đây cũng là bước phát triển mới của nghề đóng ghe xuồng ở Tây Ninh.
  • Xóm chằm nón lá: Nghề chằm nón lá ở Tây Ninh đã xuất hiện tương đối khá lâu đời. Ngày nay, có nhiều nơi sản xuất nón lá được gọi là "xóm nón lá" như ở ấp An Phú, phường An Hòa (Trảng Bàng), làng nón lá Ninh Sơn ở Thành phố Tây Ninh. Họ làm được tất cả các loại nón: nón Bài Thơ (Huế), nón Bình Định, nón thêu, nón dày, nón thưa, vốn rất nổi tiếng ở miền Trung nhưng ở Tây Ninh không dễ kiếm lá buôn, dây thao, nguyên liệu làm nón Bài Thơ, ngược lại nguồn trúc và lá mật cật lại rất dễ tìm. Người dân Tây Ninh chọn loại lá mật cật là nguyên liệu chính để làm nón. Đây là loại nón thông dụng dành cho người lao động và được sản xuất đại trà để bán hàng gọi là "nón hàng", loại nón này khi gặp mưa vẫn thẳng, không bị dúm lại như các loại nón khác. Muốn làm nón phải có cái khung chằm hình chóp có kích thước bằng chiếc nón lá. Nón làm bằng lá mật cật luộc chín, phơi khô và vuốt thẳng. Người ta xếp từng lá chồng dọc theo khuôn để chằm. Vừa chằm vừa gác các nan tre được chuốt nhỏ, đều và trùm lên khuôn để làm sườn nón lá. Lá mật cật dược kết dính đều đặn tỉ mỉ, khéo léo với vòng nan tre bằng chỉ trong suốt. Hầu hết các phụ nữ ở Ninh Sơn, cũng như ở An Phú, An Hoà đều biết chằm nón từ lúc còn rất nhỏ 5- 6 tuổi. Nón hàng làm nhanh hơn nón dày giá cả nón dày, đắt hơn nón hàng. Nghề chằm nón không giàu nhưng đây là số tiền kiếm được khi bà con tận dụng được thời gian nhàn rỗi của mình và giúp cho những người không có sức khoẻ để làm những việc nặng nhọc có việc làm ổn định. Nón lá vốn là thành phần quan trọng trong trang phục của phụ nữ vùng nông thôn, là nét độc đáo riêng.